16/11/2019 Chủ nhiệm dự án Nuôi Em Hoàng Hoa Trung vinh dự là khách mời phát biểu tham luận trong chương trình Tri ân thầy cô dân tộc thiểu số tại Hà Nội của Bộ GDĐT và Hội LHTN Việt Nam

Hoàng Hoa Trung 20-11-2019
Thầy cô dân tộc thiểu số từ khắp mọi miền tiêu biểu tụ hợp.
Đọc tham luận và đặt câu hỏi tới bộ giáo dục:
– Việt Nam còn bao nhiêu điểm trường tạm cần xây dựng?
– Việt Nam còn bao nhiêu học sinh vùng cao bỏ học vì đói ăn?
Chú Lê Như Xuyên, Phó Vụ Trưởng Vụ Dân tộc Thiểu Số – Bộ Giáo Dục Đào Tạo đã trả lời mình rằng, cuối năm sẽ có báo cáo lên Quốc Hội và mình cũng sẽ được nắm. Vì đó là 2 mục tiêu của mình.
Trong buổi này mình được nghe rất nhiều chia sẻ của các thầy cô, mình sẽ chia sẻ dần sau.
? Ai muốn đọc tham luận dài của em ko hề hề.
16.11: Chia sẻ cùng thầy cô – Forum “Diễn đàn nâng cao chất lượng Giáo dục Học sinh dân tộc thiểu số” (08h00-10h00)
Khách sạn Khăn Quàng Đỏ
Các giải pháp giúp đỡ thầy cô cắm bản cải thiện giáo dục.
Chúng tôi chia ra các thực trạng xét trên những KHÓ KHĂN còn tồn đọng. Chúng tôi quan điểm, muốn nâng cao chất lượng giáo dục, đầu tiên phải VƯỢT QUA TÂM LÝ được những KHÓ KHĂn đang tồn tại, tâm lý cần THOẢI MÁI để thầy cô tập trung hơn vào cải thiện giáo dục.
Một, thầy cô giáo khó khăn trong việc vận động học sinh đi học đầy đủ, thậm chí phải bỏ tiền túi ra mua thức ăn: Mỳ tôm, nấu cơm cho các cháu để “dân vận” các cháu tới lớp. Học sinh lớp 1-2 tại điểm bản buổi trưa hay ngủ gật do buổi trưa không ngủ trưa.
Hai, 1/3 điểm trường tại 03 huyện Mường Nhé, Nậm Pồ, Điện Biên Đông chưa có điện khiến cho mọi sinh hoạt gặp khó khăn: Tối thì không có điện thắp sáng, dùng đèn dầu. Điện thoại không có nguồn điện để sạc, nóng không có quạt, không có giải trí.
Ba, nguồn nước bẩn, thiếu, ô nhiễm, xa.
Bốn, nơi giảng dạy, ăn ngủ, vệ sinh, tắm khi cắm bản tạm bợ.
Năm, lương còn thấp, trang trải cuộc sống và dành dụm tiết kiệm cũng là khó khăn.
Sáu, thiếu trang thiết bị giáo dục phụ trợ
Bảy, thiếu động lực, ghi nhận, du lịch trải nghiệm
Giải pháp Một: Dự án Nuôi Em thực hiện từ 2014, hỗ trợ thức ăn dành cho bữa trưa của trẻ, giúp trẻ đi học đầy đủ. Bên cạnh đó, hỗ trợ chăn, đệm, chiếu giúp trẻ lớp 1-2 tại bản ăn cơm rồi ngủ trưa tại trường, tránh tình trạng ngủ gật buổi chiều, tránh các tai nạn đáng tiếc xảy ra.
Kết quả:
Chỉ tính riêng 3 huyện Mường Nhé, Nậm Pồ, Điện Biên Đông của tỉnh Điện Biên: Hơn 8000 cháu đã được nhận nuôi và ăn cơm chỉ tính riêng 2019. Tỉ lệ đi học đủ cả sáng và chiều tăng vọt lên hơn 95% và các thầy cô giáo không phải vất vả đi vận động học sinh ra lớp nữa, học sinh, phụ huynh còn rủ nhau ra đông hơn. Có lớp trước khi được ăn cơm là 20, sau khi ăn tăng lên tới 28. Hiện tại đã triển khai tại 6 tỉnh: Điện Biên, Lai Châu, Hà Giang, Thanh Hoá, Quảng Nam, Nghệ An với hơn 12,000 bé được nhận nuôi.
Giải pháp Hai: Thực hiện dự án Được Dạy – Lắp đặt năng lượng gió, mặt trời dành cho các điểm bản chưa có điện. Lượng điện mạnh và đủ cho giáo viên và học sinh thắp sáng, sạc điện thoại, laptop thậm chí cả Tivi và còn đủ 30-40 hộ dân sạc nhờ điện thoại.
Kết quả: Tính riêng 2019: Đã lắp đặt thành công 11 bộ tại 2 huyện Mường Nhé, và Nậm Pồ.
Giải pháp Ba: Dự án Ánh Sáng Núi Rừng thực hiện dự án cung cấp bình lọc nước bằng gốm không cần điện. Giúp cung cấp nước sạch uống liền, đỡ công đoạn đung nấu vất vả, các bệnh nguy hiểm khi uống nước suối chưa qua xử lý.
Kết quả: 350 điểm bản đã được dùng nước sạch kể từ năm học 2018-2019 tới nay, con số này sẽ tăng lên hơn 400 vào cuối năm 2019.
Mỗi điểm khi xây trường được tặng 01 téc nước 500l để trữ nước tiện lợi và dễ dàng hơn.
Giải pháp Bốn: Dự án Ánh Sáng Núi Rừng thực hiện xây nhà trường mới, làm nhà vệ sinh, nhà tắm kín đáo, sạch sẽ hơn.
Nếu chưa xây được trường mới, chúng tôi có dự án Dũng Sĩ Bạt, cung cấp bạt miễn phí để quây lại điểm trường, đỡ nóng hơn, đỡ gió lùa hơn “lớp học kín gió”.
Kết quả: 21 điểm trường đã và đang được xây dựng chỉ tại Điện Biên và Lai Châu.
Hơn 20 điểm trường đã được quây bạt.
Giải pháp Năm: Dự án Đi ra từ rừng được triển khai, trong đó có 02 mục đích là Tạo thêm thu nhập cho thầy cô bằng cách kết nối các thầy cô thu mua nông sản của bà con để đưa ra Hà Nội bán từ đó tạo nguồn thu nhập cho thầy cô cũng như đầu ra cho bà con trong bản sâu
Kết quả: Chỉ với năm đầu tiên thực hiện thử nghiệm năm 2018: Đã bán được 600kg dưa mèo chỉ trong vòng 6 ngày gây quỹ hơn 10 triệu đồng xây trường. 2019 đã bán hơn 70kg măng trong 03 tuần, gây quỹ hơn 10 triệu đồng, thầy cô cũng nhận được hỗ trợ 2 triệu/tháng.
Giải pháp Sáu: Chúng tôi thực hiện dự án Tủ sách vùng cao: Tặng sách cho hơn 400 điểm bản đang thực hiện dự án Nuôi Em, trẻ có nhiều sách với hình ảnh, màu sắc sặc sỡ. Chúng tôi có dự án Đồ chơi cũ: Tặng thêm đồ chơi cũ từ Hà Nội tới với hơn 200 điểm bản là lớp mầm non, các bé vui vẻ, thầy cô cũng dễ thở hơn. Chúng tôi cũng đang thí điểm tặng loa Bluetooth công suất đủ để cho cả lớp nghe, khiến bài giảng của các cô giáo trực quan hơn, các tiết mục múa hát thực hiện dễ dàng hơn.
Giải pháp Bảy: Mỗi năm một lần, chúng tôi sẽ tổ chức một chương trình tên gọi là “Gala Được Dạy” ưu tiên các thầy cô giáo cắm bản sâu, không có điện, đã từng nhiều lần bỏ tiền túi ra mua thức ăn cho học sinh tới lớp, và chưa từng ra Hà Nội.
Kết quả: 15 thầy cô có tiêu chí nêu trên đã được tặng chuyến du lịch ra Hà Nội, thăm quan Vịnh Hạ Long, dự Gala tuyên dương tiêu biểu, nhận nhiều quà tặng cũng như gặp gỡ báo chí để kể những câu chuyện thực tế của mình, trải lòng với cộng đồng.



Tiến độ xây dựng

Danh mục cập nhật tiến độ xây dựng theo từng TUẦN

Xem tất cả